Đã có rất nhiều chuyên gia thảo luận về vấn đề thời gian hoàn vốn cho một hệ thống năng lượng mặt trời, vậy thực sự bao lâu thì nguồn đầu tư này mới chính thức tạo ra lợi nhuận?
Nhìn sơ qua, việc tính giá trị các tấm pin mặt trời và xác định các khoản chi phí phụ liên quan đến lắp đặt, bảo trì…thì việc tính toán thời gian hoàn vốn có vẻ khá phức tạp, nhưng ở bài viết này chúng tôi sẽ đơn giản hoá vấn đề cho bạn dễ dàng nắm bắt được.
Để có thể biết được bao lâu thì hệ thống của bạn thực sự hoàn vốn thì trước tiên có vài điều bạn cần xem xét:
- Tổng chi phí mua các tấm pin năng lượng và các thiết quan trọng cần thiết (giá đỡ, bộ biến tần, ắc quy…). Đây là phần tốn kém chi phí nhất
- Ưu đãi thuế và các chính sách của Nhà nước trong việc vận động lắp đặt năng lượng mặt trời. Điều này có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí đầu tư tương đối.
- Mức tiêu thụ điện hàng tháng của gia đình bạn. Bạn cần phải nắm được con số này ngay lập tức, cách đơn giản nhất là xem hoá đơn tiền điện mỗi tháng. Hoặc chi tiết hơn bạn có thể liệt kê các thiết bị tiêu hao điện trong nhà, xem chúng tiêu hao mỗi giờ là bao nhiêu Watt sau đó “nhân” với thời gian sử dụng hàng ngày của từng thiết bị để có thể lên kế hoạch chi tiết cho kích cỡ hệ thống bạn muốn lắp đặt.
- Sản lượng điện trung bình của hệ thống cũng là một yếu tố quan trọng – Điều này giúp bạn cân đối và thiết lập được một hệ phù hợp, vì tuỳ vào các mùa khác nhau mà nhu cầu sử dụng điện và sản lượng điện tạo ra từ hệ thống sẽ có những thay đổi (mùa đông nắng ít dẫn đến sản lượng giảm, mùa hè nóng nực dẫn đến mức tiêu thụ điện tăng…). Nếu bạn sử dụng hệ thống hòa lưới lượng điện dư thừa có thể bán lại cho công ty điện lực để kiếm thêm thu nhập, nếu bạn sử dụng hệ thống độc lập mùa hè thiếu điện bạn có thể dùng nguồn điện dư thừa lưu trữ ở mùa đông.
Đây là những yếu tố cơ bản cần phải xem xét trước khi mua bất cứ hệ thống điện mặt trời nào nhưng chưa dừng lại ở đó, bây giờ chúng tôi sẽ đi sâu hơn về vấn đề thời gian hoàn vốn của của chúng. Nối lưới hay độc lập sẽ có thời gian hoàn vốn khác nhau vì vậy hãy tìm hiểu chi tiết cụ thể đối với trường hợp của bạn.
Hệ thống năng lượng mặt trời hoà lưới:
Hầu hết những khách hàng trong khu dân cư lựa chọn hệ thống này. Với thời gian hoàn vốn chỉ tầm 4-6 năm, hệ thống nối lưới của bạn sẽ bắt đầu sinh ra lợi nhuận. Nếu hệ sản xuất ra nhiều điện hơn mức nhu cầu của bạn thì thời gian hoàn vốn sẽ còn nhanh hơn nhờ bán lượng điện dư thừa cho công ty điện lực.
Với loại lắp đặt này, thời gian hoàn vốn ngắn đồng nghĩa với việc nó sẽ mang lại lợi ích cho bạn lâu dài hơn. Giá điện của các công ty điện lực thì luôn tăng theo thời gian, trong khi các tấm pin mặt trời lại được bảo hành khá dài từ 10 đến 25 năm. Chính vì thế sau khoản thời gian hoàn vốn, bạn sẽ được sử dụng nguồn điện hoàn toàn miễn phí từ hệ thống của bạn mà không phải lo lắng về giá điện liên tục “leo thang”.
Hệ thống năng lượng mặt trời độc lập:
Việc đầu tư một hệ thống độc lập rất khác biệt so với hoà lưới. Nhìn chung thì hệ này sẽ có giá đắt hơn và thời gian hoàn vốn cao hơn vì chúng đòi hỏi bạn phải trang thêm các bình ắc quy trữ điện tương đối mắc. Tuy nhiên, lợi ích mang lại là cho bạn cảm giác luôn yên tâm về nguồn điện của mình, bạn sẽ không phải lo lắng khu vực của bạn thông báo ngừng cấp điện vì nguồn điện của bạn là độc lập và tự chủ hoàn toàn.
Một nhược điểm nhỏ đối với hệ thống này là bạn không kết nối được với lưới điện quốc gia, nên nếu có dư thừa thì sẽ không bán lại được cho công ty điện lực. Tuy vậy chúng lại bù đắp cho bạn một lợi ích khác, bạn có thể tích trữ lượng điện dư thừa đó vào ắc quy để phục vụ cho những tình huống cấp bách như hệ thống cần được ngưng để sửa chữa, bảo trình, bảo hành…mà không lo bị gián đoạn.
Một lý do chính khiến hệ thống điện mặt trời không hoà lưới có thời gian hoàn vốn cao hơn là chi phí dây điện và ắc quy. Bạn cũng có thể tự mình lắp đặt thay vì thuê một nhà thầu cài đặt để tiết kiệm một phần chi phí đầu tư.