Một trong những lý do chính khiến mọi người muốn chuyển sang sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời là tiết kiệm tiền. Một hệ liên kết với lưới điện quốc gia có thể giúp bù đắp hoá đơn tiền điện hàng tháng hoặc không còn phải thấy hoá đơn tiền điện mỗi tháng nữa, thậm chí bạn còn có thể kiếm thêm một khoản thu nhập từ chúng hàng tháng bằng việc bán lượng điện dư thừa cho công ty điện lực. Phần lớn đối với mọi người khi đầu tư vào một cái gì đó thì họ quan tâm nhất là lợi tức vì vậy điều cần thiết là tính toán các khoản chi phí phải đầu tư cho một hệ thống điện mặt trời nối lưới.
Bạn có thể thấy nó có vẻ như là một bài toán dễ dàng, chỉ đơn giản là bao lâu thì lượng điện sản xuất ra bù đắp được cho khoản chi phí đầu tư ban đầu – tuy nhiên nó hoàn toàn không đơn giản như thế. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi viết bài hướng dẫn này để giúp bạn có thể tính toán lợi tức đầu tư thực sự để có thể chắc chắn rằng hệ thống hòa lưới phù hợp với gia đình bạn.
Mục lục
Các yếu tố tác động lên chi phí đầu tư:
Bạn phải chi bao nhiêu tiền để lắp đặt một hệ thống điện mặt trời? – Tất cả sẽ phải phụ thuộc vào các yếu tố dưới đây:
- Kích thước, quy mô hệ thống bạn muốn lắp đặt như thế nào?
- Các thiết bị, phụ kiện bạn cần là gì?
- Mục đích tài chính của bạn như thế nào?
- Bạn sẽ tự mình thiết lập hay thuê một nhà thầu?
Tại Mỹ năm 2015, các hệ thống năng lượng mặt trời dân cư có giá trung bình khoảng 3,57 USD mỗi watt, với mức trung bình công suất mỗi hệ thống là 5 kilowatt, vậy tổng sẽ có giá khoảng 17.850 USD. Chính sách ưu đãi thuế đầu tư liên bang của nước này là 30%, do đó giá trung bình cuối cùng mỗi hệ thống điện mặt trời rơi vào khoảng 12.500 USD.
Lưu ý, đây là chi phí của hệ thống chưa bao gồm lắp đặt. Nếu bạn có thể tự mình lắp đặt thì có thể tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.
Những yếu tố ảnh hưởng đến việc hoàn vốn đầu tư của hệ thống hòa lưới
Khi nói đến việc xác định tỷ suất hoàn vốn đầu tư hệ thống hòa lưới, đây là công thức đơn giản nhất mà chúng tôi sử dụng:
Tổng chi phí hệ thống ÷ giá điện ÷ mức tiêu tụ điện hàng năm của bạn = Thời gian hoàn vốn đầu tư
Giờ hãy cùng tôi phân tích từng phần của công thức này:
- Tổng chi phí hệ thống: Con số này phụ thuộc vào nhu cầu của bạn. Bạn muốn quy mô mình lắp đặt là bao nhiêu 1kWh, 3kWh hay 5kWh…
- Giá điện tại nơi bạn sinh sống: Giá điện bình quân ở Việt Nam áp dụng từ ngày 20/3/2019 là 1.864,44 đồng/kWh (chưa VAT).
- Mức tiêu thụ điện hàng năm: Số kilowatt giờ trung bình sử dụng của gia đình bạn mỗi năm.
Giả sử hệ thống của bạn tổng chi phí đầu tư là 150 triệu, giá điện tại Việt Nam là 1.864,44 đồng/kWh và mỗi năm gia đình bạn sử dụng trung bình khoảng 10.000 kWh. Khi áp dụng công thức trên tính ra được là 8 năm, đây chính là khoảng thời gian hoàn vốn cho hệ thống của bạn.
Tham khảo: Thời gian hoàn vốn của một hệ thống điện mặt trời
Lợi ích lâu dài từ năng lượng mặt trời:
Trong những năm đầu khi công nghệ năng lượng mặt trời được phát hiện và đưa vào sử dụng, đã có rất nhiều bất cập về việc các tấm pin mặt trời không sản xuất ra năng lượng đủ để bù đắp cho chi phí tạo nên chúng. Tuy nhiên ngày nay, với tiến bộ khoa học công nghệ, phương pháp sản xuất hiệu quả, giảm được chi phí thì các tấm pin không chỉ bù đắp được khoản chi phí sản xuất mà còn mang lại thêm rất nhiều năng lượng trong suốt thời gian vận hành của chúng.
Như ví dụ trên bạn có thể thấy chi phí đầu tư một dự án năng lượng mặt trời 150 triệu thì sau 8 năm tổng sản lượng điện cung cấp sẽ bù đắp đủ khoản chi phí đầu tư này, trong khi đó một hệ thống điện mặt trời có thể tồn tại đến 25 năm, vậy thì kể từ năm thứ 9 trở đi gia đình bạn sẽ sở hữu một nguồn điện hoàn toàn miễn phí.
Những cách giúp tiết kiệm tiền cho một hệ thống:
Việc mua một hệ thống mặt trời rõ ràng là khoản đầu tư tương đối đắt đỏ, vì vậy chúng ta hãy tận dụng mọi thứ để có thể giảm chi phí đầu tư tối ưu nhất nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với gia đình mình như:
- Nếu không có nhu cầu sử dụng điện độc lập, hãy lắp đặt điện mặt trời hòa lưới để tiết kiệm một khoản chi phí mua ắc quy điện (chi phí ắc quy tương đương chi phí tấm pin).
- Khi sử dụng hệ thống hòa lưới, bạn có thể bán lượng điện dư thừa hàng tháng cho công ty điện lực, đây là một nguồn thu nhập đáng kể cũng như giúp giảm thời gian hoàn vốn
- Bạn có thể tận dụng mái nhà của mình. Việc sử dụng mái nhà để lắp các tấm pin mặt trời sẽ rất lợi về mặt chi phí vì bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền để mua các giàn giá đỡ, kệ đỡ…không chỉ vậy các tấm pin lắp trên mái nhà còn giúp bảo vệ mái nhà của bạn khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường, gia tăng tuổi thọ cho mái nhà.
- Nếu bạn có các công cụ hỗ trợ cũng như có tay nghề thì có thể tự mình lắp đặt hệ thống, điều này cũng giúp bạn có thể giảm bớt khoảng chi phí cài đặt đáng kể