Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam:
Từ ngày 1.6.2017, Tập đoàn điện lực VN (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án Điện Mặt Trời (ĐMT) nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh)
Hộ gia đình khỏi lo tiền điện:
Quyết định của Thủ tướng nêu rõ: Các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ (đồng hồ) hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc một năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện theo giá quy định.
Điểm ưu việt của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu không bị cạn kiệt như những nguồn năng lượng hóa thạch: than đá, dầu mỏ…, lại thân thiện với môi trường, không bỏ tiền vận hành, chi phí bảo trì thấp nên sử dụng điện mặt trời sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Ngoài ra, khi sử dụng không hết điện, người dùng vẫn có thể bán lại phần dư cho ngành điện với giá 2.086 đồng/kWh, góp phần thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ.
TP.Hồ Chí Minh triển khai điện Năng Lượng Mặt Trời nối lưới:
Toàn TP.HCM đã có 412 khách hàng, trong đó có một số doanh nghiệp lớn tự đầu tư, lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất 4.699,5 kWh, có thông báo với tổng công ty và 346 khách hàng đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện.
Để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng, EVNHCMC đã chủ động triển khai kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật hệ thống điện mặt trời nối lưới theo qui định và lắp đặt điện kế hai chiều miễn phí. Đồng thời EVNHCMC cũng tổ chức ghi nhận chỉ số điện năng tiêu thụ và chỉ số điện mặt trời phát ngược lên lưới bán cho ngành điện khi khách hàng có yêu cầu.