Quy hoạch điện VIII: Cơ chế nào thu hút tư nhân phát triển năng lượng tái tạo?

Để ngành năng lượng có thể góp phần đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) vừa qua, Việt Nam đang quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng đến xây dựng một nền năng lượng xanh, sạch và bền vững. Và hơn hết, Quy hoạch điện VIII đã và đang thể hiện rõ quan điểm xuyên suốt theo cam kết của Chính phủ, đó là kiên định với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII cho thấy, nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỷ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, bảo đảm các tiêu chí kinh tế-kỹ thuật và vận hành, phù hợp chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. Đây là một trong những giải pháp nhằm hiện thực hóa cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo.

Mục lục

Giữ đúng cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định số 2068/QĐ-TTg đã xác định, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Cùng với đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII cũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”, đồng thời đặt ra nhiệm vụ “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch”.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2019 – 2020, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Cụ thể, hơn 16,5GW công suất điện mặt trời đã được kết nối vào lưới điện quốc gia (đạt 23,9% công suất lắp đặt toàn quốc); nếu tính cả 20,6 GW thuỷ điện, công suất lắp đặt nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã chiếm 55,17% công suất lắp đặt toàn quốc.

Bộ Công Thương cho biết, với mục tiêu thúc đẩy ngành năng lượng phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống dân sinh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành năng lượng. Đặc biệt, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là định hướng nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong phát triển ngành năng lượng.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ngày một tăng nhanh, hướng đến phát triển bền vững, giảm yếu tố tác động đến biến đổi khí hậu, mục tiêu phát triển Năng lượng tái tạo tại Dự thảo quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% vào năm 2045. Đặc biệt, ưu tiên hơn đối với điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng là chủ yếu, điện mặt trời nổi.

Tại hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ Công Thương đã thực hiện tính toán bổ sung phương án phát triển nguồn điện (phương án điều hành tháng 11/2021) có xem xét tới yếu tố dự phòng khi tỉ lệ thực hiện nguồn điện không đạt so với quy hoạch, đồng thời xem xét giảm nguồn điện than theo tinh thần của Hội nghị COP26, để xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học.

Theo đó, một số quan điểm lớn trong Quy hoạch điện VIII sẽ được điều chỉnh là giảm điện than; phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chú ý bảo đảm hiệu quả, hài hòa, cân đối của hệ thống. Điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Sẽ xem xét lại việc phát triển điện mặt trời, hiện có nhược điểm là có số giờ vận hành hạn chế, chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng.

Như vậy, với phiên bản Quy hoạch điện VIII trong tháng 11 được Bộ Công Thương điều chỉnh, bổ sung, và được các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất đã xác định tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là khoảng 155.000 MW, giảm hơn 28.000 MW so với phương án trình tháng 3/2021, tương đương giảm gần 800.000 tỷ đồng đầu tư. Nếu không tính điện mặt trời, hệ số dự phòng toàn quốc giảm từ hơn 69% xuống còn 43%, bảo đảm an toàn hệ thống. Cơ cấu nguồn điện phù hợp hơn, giảm năng lượng hóa thạch, tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là có phương án tăng điện gió trong tổng cơ cấu.

Cần nguồn vốn lớn cho Quy hoạch điện VIII

Cụ thể, theo Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000MW hiện nay lên tới 31.600MW vào năm 2030, chiếm tỷ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực được lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32 tỷ USD.

Nếu phát triển theo phương án phụ tải cao, nhu cầu vốn đầu tư hằng năm khoảng 11,58 tỷ USD, trong đó khoảng 10,16 tỷ USD dành cho đầu tư nguồn điện và khoảng 1,42 tỷ USD dành cho đầu tư lưới điện truyền tải. Do vậy, để giải “bài toán” vốn đầu tư cho ngành năng lượng trong thời gian tới, việc tiếp tục xây dựng các cơ chế thông thoáng nhằm huy động đầu tư tư nhân cho các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo được coi là giải pháp quan trọng.

Thời gian qua, việc thu hút đầu tư vào các dự án điện đã có nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt là điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 31/10/2021, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt đạt 20.644MW; trong đó, thủy điện chiếm 29,6%; năng lượng mặt trời là 22,57; năng lượng gió là 5,16%; khí chiếm 10%; dầu xấp xỉ 2% và sinh khối chiếm 0,28% trong tổng công suất nguồn điện.

Cơ chế nào để phát triển năng lượng tái tạo

Nhiều nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế cho thấy, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo và việc Quy hoạch điện VIII – một trong những văn bản quan trọng nhất, liên quan mật thiết đến sự phát triển ngành điện trong một giai đoạn dài được điều chỉnh với mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện cho thấy dư địa phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất dồi dào.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức mới như: hạ tầng lưới điện và kỹ thuật điều độ hệ thống điện do phải tối ưu hóa nguồn điện mới vào hệ thống…

Theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện tại, trên thực tế, có nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời, phải giảm phát tới 60% công suất, gây lãng phí nguồn lực của xã hội và đang trở thành nguyên nhân cản trở nỗ lực thu hút đầu tư, xã hội hóa vào phát triển hạ tầng năng lượng điện.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo chưa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khi đầu tư phát triển dự án năng lượng tái tạo còn tồn tại yếu tố tự phát, chưa có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: tăng trưởng kinh tế cùng phát triển xã hội và công cuộc bảo vệ môi trường hiệu quả.

Đặc biệt, chi phí phát triển năng lượng tái tạo cũng không thấp. Theo nghiên cứu, để bù đắp chi phí phát sinh khi thực hiện theo kịch bản phát thải đến năm 2050 bằng 0 theo cam kết của Việt Nam tại COP26, Việt Nam cần 19 tỷ USD để giữ giá điện thông thường và hằng năm cần khoảng 1 tỷ USD để đầu tư cho ngành điện. Do vậy, Việt Nam sẽ cần nhiều sự hỗ trợ của quốc tế, đặc biệt là các nguồn vốn vay ODA giá thấp, cũng như phải có những cơ chế chính sách đột phát để huy động nguồn lực từ khối tư nhân.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, khó khăn lớn nhất để phát triển hạ tầng ngành điện là vấn đề thu xếp vốn cho dự án. Bởi đặc thù của ngành năng lượng cần vốn đầu tư cao, chậm thu hồi, trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa đạt được mức uy tín tài chính để có thể tự đi vay, do đó việc thu xếp nguồn vốn vay sẽ khó khăn hơn do các tổ chức tài chính quốc tế ngày càng khắt khe, thậm chí không tiếp tục cấp vốn cho các dự án đặc thù như nhiệt điện than.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp tư nhân còn ít kinh nghiệm đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án điện; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật còn hạn chế… dẫn đến tình trạng nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc bảo đảm cung ứng điện thời gian tới.

Do đó, theo các chuyên gia năng lượng, để hút các nhà đầu tư tư nhân cho các dự án điện, giải pháp chính vẫn là thông qua chính sách giá. Một khi chính sách giá điện phù hợp, các nhà đầu tư trong ngành điện bảo đảm có lãi hợp lý, các dự án điện sẽ đủ sức hấp dẫn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khu vực nhà nước cũng như tư nhân.

Mặt khác, thách thức không nhỏ hiện nay là nguồn điện từ năng lượng tái tạo tuy phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Giải quyết khó khăn này, ông Nguyễn Hoài Bắc, Giám đốc Công ty Sunseap Links, nhà đầu tư của một số dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay đã đề xuất, cần cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào khâu truyền tải điện, hoặc ít nhất là đầu tư đường truyền tải từ dự án của họ lên hệ thống điện.

Việc này đem lại nhiều lợi ích khi ngân sách nhà nước sẽ đỡ gánh nặng rất nhiều. Bên cạnh đó, nhà đầu tư xây dựng đường truyền tải sẽ nhanh hơn của Tập đoàn EVN bởi việc đền bù giải phóng mặt bằng linh hoạt hơn. Người tiêu dùng sẽ có lợi lớn khi được sử dụng điện từ nhiều nguồn đa dạng.

Về phía Bộ Công thương, để thu hút các thành phần kinh tế có điều kiện tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ngày càng tích cực hơn, hiện, Bộ Công thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Ðiện lực để có cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động truyền tải điện, nhằm tháo gỡ nút thắt quan trọng trong hạ tầng năng lượng.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo giai đoạn tới, như: cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, bảo đảm sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải. Từ đó nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng.

Nguồn:

https://congthuong.vn/quy-hoach-dien-viii-die-m-nha-n-cho-phat-trien-nang-luong-tai-tao-168722.html

https://baomoi.com/co-che-nao-thu-hut-tu-nhan-phat-trien-nang-luong-tai-tao/c/41125153.epi